Từ nay đến hết quý I/2013, thị trường vẫn còn đối mặt với thách thức, nhưng sau đó sẽ dần phục hồi trở lại, còn nếu có những chính sách tốt, khả năng thị trường sẽ phục hồi sớm hơn.
Tại buổi tọa đàm “Cơ hội nào cho thị trường bất động sản” cuối tuần qua, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, trong vòng 15 năm qua, đợt đóng băng lần này của thị trường kéo dài và bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, hiện giá bất động sản đã giảm mạnh, nhưng thanh khoản vẫn rất thấp. Nguyên nhân chính là do niềm tin của khách hàng về chất lượng sản phẩm bị sụt giảm mạnh. Ước tính đến quý III/2012, doanh thu của các doanh nghiệp động sản niêm yết trên sàn chứng khoán bình quân giảm 20 - 25%, trong khi lợi nhuận sụt giảm tới 35 - 40% so với cùng năm trước. Tồn kho thành phẩm bất động sản tính đến ngày 30/8 ước tính khoảng gần 41.000 tỷ đồng, tuy nhiên, nếu tính cả những dự án đang xây dựng dở dang thì ước tính tồn kho có thể cao gấp 3 lần.
“Trước đây, nhiều dự án gắn mác căn hộ cao cấp để đẩy giá bán lên cao, trong khi chất lượng và dịch vụ lại chỉ ở mức trung bình. Thậm chí có nhiều dự án triển khai chậm, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng. Một khi quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng thì rất khó để thị trường có thể chấp nhận sản phẩm đó”, ông Hiển nói và cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, quyền quyết định đang nằm trong tay khách hàng chứ không phải chủ đầu tư. Vì vậy, nếu niềm tin khách hàng chưa được lấy lại thì thị trường vẫn còn khó khăn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân làm thị trường bất động sản TP. HCM, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp đóng băng là thông tin bị nhiễu quá nặng. Một số chủ đầu tư liên tục giảm giá và quảng cáo dự án cao cấp của mình có giá thấp nhiều so với các dự án căn hộ cao cấp khác khiến người mua có tâm lý chờ đợi. Tuy nhiên, giá cả chỉ là một trong nhiều yếu tố để định giá trị một dự án căn hộ cao cấp. Vì vậy, để tránh nhiễu loạn thị trường, ông Châu kiến nghị, Bộ Xây dựng cần đưa ra bộ quy chuẩn về căn hộ cao cấp để người tiêu dùng có cái nhìn chuẩn xác hơn. Vẫn theo ông Châu, không thể phủ nhận thị trường bất động sản TP. HCM hiện có rất nhiều khó khăn, song thị trường không phải chỉ hoàn toàn màu xám mà đâu đó trên thị trường vẫn có những điểm sáng nhất định, một số dự án có vị trí tốt, xây dựng đúng tiến độ và có chính sách bán hàng hợp lý vẫn bán được.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đã bắt đầu xuất hiện những cơ hội tốt cho các nhà đầu tư có năng lực, có chiến lược kinh doanh dài hạn và cho cả người tiêu dùng. Nhiều chủ đầu tư thay đổi chiến lược kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm để phù hợp với nhu cầu và khả năng của khách hàng, vì vậy, hiện là thời điểm thích hợp cho những ai có nhu cầu mua nhà để ở.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng), tốc độ phát triển các dự án nhà thời gian qua rất nhanh. Khảo sát của Bộ Xây dựng tại 58 địa phương trên toàn quốc, có hơn 2.400 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới với tổng diện tích khoảng 300 triệu m2 nhà. Tuy nhiên, thị trường đang có sự mất cân đối trong cung cầu giữa các phân khúc và các địa phương với nhau.
Về lâu dài, để phát triển thị trường, cần phải có sự kiểm soát của Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp quy hoạch, nhu cầu thị trường. Còn vấn đề cấp bách hiện nay, theo ông Hà, sắp tới Bộ Xây dựng sẽ cho rà soát, tạm dừng các dự án không khả thi, dự án chưa bồi thường, hoặc dự án đã bồi thường nhưng không hợp nhu cầu.
“Hiện Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Đề án thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở. Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ sớm được đưa vào áp dụng, dự kiến sẽ triển khai đầu tiên ở Hà Nội và TP. HCM”, ông Hà nói và cho biết, ngoài những giải pháp trên, sắp tới sẽ điều chỉnh lại cơ cấu căn hộ. Cho phép các doanh nghiệp đã và đang đầu tư các dự án căn hộ nhưng chưa bán được tái cơ cấu lại diện tích căn hộ phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường. |